Vì sao người Việt lại gọi Trung Quốc là Tàu ?

Vì sao người Việt lại gọi Trung Quốc là Tàu ?

Lâu nay, chúng ta vẫn biết người Việt gọi Trung Quốc là “nước Tàu”, gọi người Trung Quốc lẫn người Hoa ở Việt Nam là “người Tàu”. Và cả những gì xuất xứ từ Trung Quốc cũng được ghép với chữ “Tàu”, như trà Tàu, mực Tàu, tơ Tàu,…

Vì sao người Việt lại gọi Trung Quốc là “Tàu”?

Tờ “Gia Định báo” số ra ngày 16 tháng 2 năm 1870 nêu một giả thuyết mà có lẽ được nhiều người tin nhất:

“Người bên Tàu thường kêu mình là Đường-nhơn hay Thanh-nhơn, nghĩa là người nhà Đường nhà Thanh. An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán, nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu,…”

Sau này, sách “Đại Nam quấc âm tự vị” (1896) của Huỳnh Tịnh Của cũng giải thích tương tự:

“Người Annam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu.”

Giả thuyết này bắt nguồn từ sự kiện năm Kỷ Mùi (1679), còn ghi lại trong “Đại Nam thực lục tiền biên”:

己未三十一年春正月,故明龍門總兵楊彥迪,副將黃進、高雷廉,總兵陳上川,副將陳安平率兵三千餘人、戰船五十餘艘,投思容沱㶞海口,自陳明國逋臣,義不事清,故來願為臣僕。時議以彼異俗殊,猝難任使,而窮逼來歸,不忍拒絕。真臘國東浦〈嘉定古別名〉地方沃野千里,朝廷未暇經理,不如因彼之力,使闢地以居,一舉三得也。上從之,乃命宴勞嘉獎,仍各授以官職,令往東浦地居之。

“Kỷ Mùi, năm thứ 31 (đời chúa Nguyễn Phúc Tần), mùa xuân, tháng giêng, tướng cũ nhà Minh là Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch cùng các phó tướng Hoàng Tiến và Cao Lôi Liêm, Tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình dẫn hơn 3000 người và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng, tự trần tình là bô thần của nhà Minh, vì nghĩa không thờ nhà Thanh, cho nên đến xin làm bề tôi. Bấy giờ, người ta bàn rằng phong tục của họ khác biệt, khó bề sai khiến, nhưng họ lâm đường cùng bị bức bách đến đây, không nỡ cự tuyệt. Đất Đông Phố (tên cổ của Gia Định) ở nước Chân Lạp phì nhiêu, rộng đến nghìn dặm, triều đình chưa rảnh vào kinh lý, chi bằng nhân sức họ đến khai khẩn sinh sống, làm một việc mà được ba cái lợi. Chúa theo lời, bèn sai bày yến tiệc ủy lạo khen thưởng, còn phong quan chức, sai đến đất Đông Phố mà ở.”

Lần ấy, di dân Trung Quốc kéo sang Việt Nam đi bằng tàu, nên dân gian mới gọi là “người Tàu”. Nghe rất hợp lý!

Thế nhưng, gần 30 năm trước, vào năm 1651, hai chữ “mực Tàu” đã xuất hiện trong “Từ điển Việt Bồ La” của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, dùng để chỉ mực Trung Hoa.

Như vậy, trước năm 1679, trước khi hai tướng Dương, Trần đi tàu sang Việt Nam, người Việt đã gọi Trung Hoa là “Tàu” rồi. Hơn nữa, dưới thời nhà Nguyễn, người Hoa ở Nam Bộ được gọi là “Minh Hương” (明香, sau đổi thành 明鄉) chứ không gọi là “người Tàu”. Bên cạnh đó, theo phương ngữ Nam Bộ thì người ta quen gọi thuyền bè là “ghe”, vậy tại sao không gọi là "người Ghe"?

Trở lại với giả thuyết trên “Gia Định báo”, những dòng đó được viết ở mục phiếm luận, hoàn toàn không phải công trình khoa học, không thể xem là căn cứ xác đáng.

Vậy “Tàu” rốt cuộc là gì đây?

Thời vua Thành Thái nhà Nguyễn, Vương Duy Trinh viết "Thanh Hóa quan phong", đưa ra một cách lý giải:

"Người nước Nam gọi sứ giả bên Tào là thằng Tàu, gọi sứ giả bên Ngô là thằng Ngô, gọi sứ giả bên Thục là khách Thục... Tiếng nói Trung Quốc với thổ âm nước Nam khác. Chữ Tào gọi là Tàu, cũng như tụ tam gọi là tổ tôm."

Theo Vương Duy Trinh thì chữ "Tàu" xuất hiện từ thời Tam Quốc, khi ấy ba họ Tào, Lưu, Tôn chia ba thiên hạ. Người Việt gọi bên họ Tào (曹) là "Tàu".

Nhà nghiên cứu An Chi cho rằng “Tàu” là âm cổ Hán Việt của chữ 曹 tào, nhưng có nghĩa là “quan lại”. Thời Bắc thuộc, hầu hết quan cai trị đều là người Trung Quốc, cho nên dân Việt hễ gặp người Trung Quốc thì gọi là “người Tàu”.

Và cũng chính vì xuất hiện ở thời Bắc thuộc nên chữ “Tàu” mới thường mang nghĩa xấu, như dân ta hay nói "quân tử Tàu", "thâm như Tàu",...

Nếu “Tàu” bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Trung Quốc thì hiển nhiên phải mang hàm ý ngưỡng mộ! Bởi lẽ thời xưa, ngành hàng hải Trung Quốc phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Nhất là vào thời Minh, hình ảnh hải đoàn của Trịnh Hòa vẫn in đậm dấu ấn trong lịch sử thế giới. Không ai lại lấy cái tốt để mỉa mai người khác cả!

(Hình: Đình Minh Hương ở quận 5, TPHCM)

Thủ tục của visa diện thăm thân nhân

X

Hỗ trợ trực tuyến